Góc nhìn lịch sử Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ

1633 lượt xem

Bài viết không dùng với mục đích giảng dạy hay phổ cập kiến thức lịch sử, bài viết được xây dựng cốt truyện giả tưởng dựa trên cơ sở những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử Việt Nam là Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ

Chuyện được phóng tác và hư cấu thêm để tạo nên cảm xúc và sự sinh động, xin nhắc lại bài viết không phục vụ cho mục đích nghiên cứu học thuật và tìm hiểu thực tế lịch sử, chính vì vậy, mọi người vui lòng tự cân nhắc khi tham khảo sử dụng các yếu tố trong bài viết cho các mục đích khác, xin cảm ơn.

Mùa xuân 1777, Nguyễn Huệ dẫn đầu đoàn quân đánh thẳng vào Gia Định thành lũy cuối cùng của nhà Nguyễn, Gia Định sụp đổ nhanh chóng. Và một cuộc tàn sát đẫm máu bắt đầu xảy ra.

Định Vương – Nguyễn Phúc Thuần
Tân Chính Vương – Nguyễn Phúc Dương
Cháu Trai – Nguyễn Phúc Đồng

Và hàng chục người khác trong hoàng tộc đều bị giết sạch, trong thời điểm đen tối của nhà Nguyễn lúc đó, duy nhất chỉ có ông hoàng Nguyễn Phúc Ánh hay còn gọi là Nguyễn Ánh sống sót.

Năm đó Nguyễn Ánh mới 15 tuổi, chứng kiến tất cả người thân đều chết dưới tay của quân Tây Sơn, ông lẫn trốn về Cà Mau rồi lưu lạc ra đảo Thổ Chu.

Nguyễn Huệ đánh xong cũng nhanh chóng rút quân về, Nguyễn Ánh mau chóng về lại vùng Sa Đéc chiêu binh và tháng 11 cùng năm xuất quân chiếm lại thành Gia Định.

Chỉ trong vòng 5 năm ông hoàng trẻ tuổi của nhà Nguyễn đã chứng tỏ được mình có tầm nhìn chiến lược, khi đã sắp đặt hoàn chỉnh việc quân, quản lý hành chánh, tạo mối ban giao với Chân Lạp.

Lúc này cái tên Nguyễn Ánh đã ăn sâu bén rễ vào lòng của dân Gia Định. Nhưng đến năm 1782 Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Nhạc lại đánh Gia Định, họ thắng như chẻ tre, và nhà Nguyễn lại đại bại tan tác, và cũng một lần nữa Nguyễn Ánh lại trốn thoát.

Nguyễn Ánh chạy ra tận Phú Quốc, ở đây Nguyễn Ánh đã phải ăn cỏ và nhai lỏi chuối để cầm hơi.

Vẫn điệp khúc cũ, sau khi đánh phá tan tành, Nguyễn Huệ lại rút quân về, nhưng lần này Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc mắc 2 cái sai lầm lớn, một là san bằng Cù Lao Phố, hai là sai bắt và giết hàng trăm Hoa Kiều tạo nên mối căm phẫn ngút trời, chính điều này đâm ra dân Gia Định, Cù Lao Phố càng ủng hộ Nguyễn Ánh lớn hơn.

Trước khi rút về nhà Tây Sơn cũng đã thuần phục Chân Lạp nhưng chỉ để lại một cánh quân nhỏ giữ Gia Định, chính điều này đã khiến cho Nguyễn Ánh dễ dàng lấy lại được thành, nhưng cũng vỏn vẹn được một năm thì Nguyễn Huệ lại đánh và Nguyễn Ánh lại chạy.

Sau 3 lần bị Nguyễn Huệ đánh chạy dài thì Nguyễn Ánh phạm sai lầm lần thứ nhất, đó là cầu viện quân Xiêm, chính điều này cũng đã giúp cho Nguyễn Huệ có được một trận Rạch Gầm Xoài Mút vang danh sử sách, còn Nguyễn Ánh thì mang tội cõng rắn cắn gà nhà.

Nhưng lạ lùng thay, trong con khói lửa ngút trời và thua tan tác thì Nguyễn Ánh vẫn chạy thoát.

Vậy là sau 4 lần đại bại trước nhà Tây Sơn thì Nguyễn Ánh không thể sánh được với Nguyễn Huệ, nhưng nói đúng ra thì Nguyễn Ánh chỉ thua mỗi Nguyễn Huệ vì nếu để ý thì mỗi lần Nguyễn Ánh vùng lên ông đều chiến thắng dễ dàng chỉ khi nào Nguyễn Huệ cầm quân thì ông mới thua.

Năm 1792 khi Nguyễn Huệ chuẩn bị trận đánh thứ 5, ông hiểu được tầm chiến lược của Gia Định biết sự nguy hiểm lâu dài của Nguyễn Ánh nên đã cắt hết mọi ngã đường của Nguyễn Ánh, và đó cũng chính là lời khen gián tiếp của Nguyễn Huệ dành cho Nguyễn Ánh.

Và cùng năm đó Nguyễn Huệ qua đời, vậy là gió đã đổi chiều. Giờ đây không còn ai có thể đánh bại được Nguyễn Ánh, rõ ràng trời đã chọn Ánh chứ không chọn Huệ.

Nói như thế không có nghĩa Nguyễn Ánh chỉ toàn là may mắn và xin hãy chú ý điều này nhé, khi Nguyễn Huệ mất đi quân Tây Sơn vẫn vẹn nguyên, và đoàn quân ấy lúc bấy giờ hơi bị mạnh, với thành tích là dẹp Chân Lạp sang một bên mà không dám hó hé, đánh cho thiên triều nhà Thanh chạy bán sống, bán chết mà không dám quay lại.

Tướng thì có Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Vũ Văn Dũng, quân sư thì có Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích toàn tên tuổi lẫy lừng. Nhìn như thế đủ để biết người mà đánh bại Tây Sơn mà Nguyễn Huệ mất cả đời gầy dựng không hề tầm thường.

Mọi người thường biết câu chuyện Lê Lai cứu chúa, nhưng mọi người có biết Việt Nam cũng có một câu chuyện tương tự như thế hay không ?

Tháng 6 âm lịch năm 1783 quân Tây Sơn kéo ra Đá Chồng truy kích Nguyễn Ánh, trong cơn nguy kịch thì một bộ tướng của Nguyễn Ánh tên là Lê Phước Điển cũng đã sử dụng cách mặc áo ngự dùng kế hy sinh để giải thoát cho chủ.

Câu chuyện thứ 2.

Sau khi thất bại ở trận Gạch Gầm Xoài Mút, thì Nguyễn Ánh lui về Cổ Cốt với 1 nhóm nhỏ quân tướng, thân tướng của ông là Nguyễn Văn Thành “người mà đã ngăn cản ông cầu viện quân Xiêm” đã phải đi làm ăn cướp để nuôi chủ, và có 1 lần đã bị đánh suýt mất mạng, vậy Nguyễn Ánh phải là người như thế nào mới có thể khiến cho bộ tướng sẵn sàng chết vì mình như thế, một người chủ tồi thì sẽ không bao giờ có được những điều trung nghĩa của các vị tướng như thế.

Nên nhớ là một vị lãnh đạo tốt hay xấu là không phải do lịch sử ghi nhận hay theo miệng lưỡi thế gian phán xét mà là một vị lãnh đạo tốt thì luôn có các vị cận thần ở bên mình dù ở bất cứ thời điểm nào và sẵn sàng chết vì mình, sự tôn sùng và kính trọng của kẻ dưới mới là quy chuẩn cho một vị lãnh đạo tốt.

Còn một câu chuyện nữa là giữa lúc giao tranh của hai nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn thì người dân Miền Trung có 1 câu lục bát như thế này.

Lạy Trời Cho nổi Gió Nồm
Để Cho Chúa Nguyễn Kéo Buồm Thẳng Ra

Ý câu ca dao đó là mong sao Nguyễn Ánh theo gió đưa chiến thuyền ra bắc để đánh Tây Sơn.

Nguyễn Ánh là người như thế nào ?
Mà cả Gia Định cùng một bộ phận người Miền Trung và Miền Bắc ủng hộ, nếu thật sự xấu xa như chúng ta đã từng nghe và đọc thì ông có được sự ủng hộ như thế hay không ?

Hãy nhớ là dân không thờ sai ai bao giờ, phải thật sự tốt thì mới được dân gọi tên và tin tưởng.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn có thành công được hay không ? nếu như không có sự trực tiếp làm lụn bại nhà Nguyễn của Trương Phúc Loan, hắn đã góp công lớn cho việc khiến cho người dân thù ghét và mất đi sự tin tưởng, để rồi sau khi cuộc khởi nghĩa nông dân ấy thành công thì nhà Tây Sơn lại đi theo vết xe đổ của nhà Nguyễn thời Trương Phúc Loan, mất đi tính trượng nghĩa khi đã thâu tóm được giang sơn và rồi khi Quang Trung mất đi thì lại càng lục đục vì giành quyền lực.

Khiến cho người dân lánh xa và tìm 1 minh quân khác, hãy tự hỏi chính mình trước khi đưa ra lời phán xét Nguyễn Ánh.

Quang Trung đã có công thống nhất đất nước sau 2 thế kỷ nội chiến, chắc chắn không có ai rực rỡ hơn ông ở thế kỷ thứ 18, ông đã xuất hiện và quét sạch các tàn dư phong kiến, ông đánh nam dẹp bắc, đánh tan nhà Trịnh, đuổi cùng nhà Nguyễn, thậm chí đã thổi bay luôn 2 đế quốc mạnh nhất khu vực thời ấy là Xiêm La và Mãn Thanh.

Với những chiến công to lớn như vậy, ông xứng đáng được xưng tụng ngàn đời. Nhưng trời đã không chọn ông.

1 – là trời đã lấy đi sinh mệnh của ngài quá sớm, cùng nhiều ý định dở dang.

2 – ngài đã gieo thâm thù với nhà Nguyễn quá lớn, vua Quang Trung đã cho quật mộ của Nguyễn Phúc Côn phụ thân của vua Gia Long đem xương cốt bỏ xuống sông vào năm 1790, tàn phá tất cả lăng tẩm mồ mả của nhà Nguyễn cùng đó truy cùng giết tận những người còn sống sót của nhà Nguyễn, ngài đã gieo nhân ác. Và đó cũng chính là lý do đã khiến cho vua Gia Long trả thù lại cũng tàn khốc, độc ác thậm chí có phần tiểu nhân đã khiến cho hậu thế không bao giờ có thể thôi không oán trách ông sau này, nhưng lỗi ban đầu là do vua Quang Trung gieo trước.

3 – nhà Tây Sơn chỉ có mỗi Quang Trung là giỏi là có tầm còn lại đều là loại rỗng toét, mất Quang Trung coi như sụp đổ, Nguyễn Lữ là kẻ bất lực, tệ đến mức mà Nguyễn Ánh đánh đến đâu là chạy đến đó, Nguyễn Nhạc lúc mới khởi nghĩa anh hùng bao nhiêu thì càng về sau thì càng tiểu nhân ti tiện, ghen tị, dốt nát, dâm loạn bấy nhiêu.

Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc cũng đã từng chiến tranh nhỏ, khiến cho nhà Tây Sơn không đoàn kết, Tây Sơn nắm quyền nhưng lại tách ra 3 vùng với sự nghi kỵ lẫn nhau.

Thế nên công thống nhất dân tộc rơi vào tay Nguyễn Ánh mặc dù về tầm vóc quân sự của Nhà Nguyễn là không đủ khả năng chấm dứt cho Trịnh Nguyễn phân tranh, lẫn đánh tan quân xâm lược ở hai đầu đất nước là Xiêm và Mãn Thanh.

Quang Trung đã làm giúp việc đó thay cho, nhưng không đồng nghĩa là Gia Long bất tài, bởi sự kiên nhẫn bền chí, minh mẫn chính trị kèm tài năng quân sự đã giúp ngài làm nên sự nghiệp sau không biết bao nhiêu lần ngài bị vùi xuống bùn đen.

Nguyễn Ánh đã rước voi về giày mả tổ, hay đã trả thù nhà Tây Sơn man rợ, tiểu nhân.
Chuyện ông viện quân Xiêm, nhờ quân Pháp và cũng dự định chở hai thuyền lương ra cho quân Thanh mà hậu thế không bao giờ tha thứ cho Nguyễn Ánh, nhưng hãy chú ý, diện tích Việt Nam thời nhà Nguyễn là rộng lớn nhất lịch sử và trong thời Gia Long là không có bất cứ ai dám động vào Việt Nam.

Ông là một tài năng gian hùng bất chấp sỉ diện để nhờ ngoại bang khi yếu thế, nhưng sau khi ngoại bang không giúp gì được, ông đã tự mình đi lên và chiến thắng khi không còn Quang Trung và sau khi ông đã có được dãy thiên hạ nước nam thì đó lại là 1 vị vua hoàn toàn khác.

Hãy để ý cái tên Gia Long vì nó rất ý nghĩa, Gia là Gia Định, Long là Thăng Long. Ý bảo quốc gia đã liền 1 mối, ông lên nắm quyền liền ra uy với quân Xiêm rồi cùng nhau chia ảnh hưởng với Chân Lạp, cấm người Pháp đồn trú, hạn chế giao thương, và chỉ cho một số người Pháp có công giúp ông khi xưa với các chức quan hữu danh vô thực.

Không giao thương luôn với nước Anh, đặt luôn yêu sách với Mãn Thanh, không một mãnh đất nào của nước nam bị mất đi mà ngày càng lại to lớn hơn. Ông coi trọng giáo dục nhất trong tất cả các vị vua phong kiến, kẻ sĩ thời nhà Nguyễn cực kỳ được coi trọng, thời nhà Nguyễn đã để lại hai di sản quý giá, thứ nhất là kiến trúc với đền đài miếu mạo, lăng tẩm và di sản Truyện Kiều của Nguyễn Du, thật sự là thời nhà Nguyễn là thời kỳ rực rỡ của kiến trúc và thơ văn của Việt Nam.

Chúng ta trách nhà Nguyễn bế quan tỏa cảng để cho lạc hậu, không đúng vì Gia Định vẫn là nơi buôn bán sầm uất rồi còn Hội An, Phố Hiến. Hãy hiểu cho Gia Long ở thời điểm này, khi nhìn sang các nước là Ấn Độ, Singapore đã bị Anh chiếm thành thuộc địa khi đã để Anh vào quá sâu, nên ngài rất thận trọng với phương tây, kể cả chọn Minh Mạng là người kế vị vì Minh Mạng là người theo nho học, ông đã làm mọi cách để giữ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ trong thời đại nho giáo bắt đầu suy yếu bởi đại bác và nền khoa học vượt trội của phương tây.

Ngày mà Gia Long mất, ông đã nhắn nhủ với Minh Mạng rằng, con hãy cư xử lịch sự với người Pháp nhưng hãy luôn đề phòng họ. Việc nhà Nguyễn bị Pháp xâm lược là vấn đề liên quan đến thời đại, không phải vấn đề cá nhân.

Nhà Nguyễn mất nước là bởi tư duy quá chậm do ảnh hưởng từ nho giáo quá lâu, chứ không phải họ không yêu nước, đây là vấn đề thời đại nó liên quan đến tấm gương và bài học của sự uyển chuyển bởi thời cuộc của thế giới.

Công lao của Gia Long để lại cho hậu thế không ít, nhưng hãy nhìn xem cả đất nước có con đường nào mang tên ông không ?

Chẳng lẽ thế tổ hoàng đế của nhà Nguyễn không xứng đáng cho một tên đường ?

Có một câu chuyện trong nền kinh tế thị trường ngày nay mà nếu chúng ta để ý thì sẽ thấy là các thương hiệu lớn nước ngoài khi muốn xâm nhập thị trường Việt Nam thì luôn chọn Sài Gòn đầu tiên, nếu Sài Gòn mà ok thì mới bắt đầu mở đi các nơi.

Ví dụ như, KFC, MacDonald, Starbucks. Tại sao lại như vậy ? Bởi tính người miền nam dễ chịu và phóng khoáng, sẵn sàng chấp nhận cái mới dễ hơn mọi nơi khác, đó là 1 lý do.

Lý do thứ 2 là bản năng người miền nam ngay từ khi lập quốc là đã thị trường rồi, và bạn có biết gốc gác từ đâu không ?

Đó là do Nguyễn Ánh những năm đóng quân ở Gia Định để chống Tây Sơn ông đã biến miền nam thành nơi sản xuất và xuất bán đi cho toàn Đông Nam Á để đổi lại các sản phẩm công nghiệp phương tây các vũ khí để đánh bại Tây Sơn.

Vậy không phải ông đặt nền mống cho nền kinh tế thị trường ở miền nam thì còn là ai nữa, và văn hóa ấy vẫn còn cho đến ngày nay. Và cũng chính ông là người đã xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa khi ông đã chiếm đóng quần đảo này vào năm 1816.

Nếu bạn chưa bao giờ quên rằng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam thì chính cái tên Gia Long mà mọi người thường mang ra tranh luận là tốt hay xấu chính là người đã mang 2 quần đảo ấy về cho dân tộc.

Vài năm về trước đã xảy ra vài vấn đề về tranh chấp biên giới giữa Cambodia và Việt Nam, Cambodia đòi lại Miền Tây Nam Bộ, chúng ta đã phản đối, khi ấy thì các anh hùng bàn phím đã đòi đưa 5 vạn quân qua đánh Cambodia, vậy hãy nhìn lại lịch sử nguồn gốc một chút.

Chân Lạp là của người Khmer, nhưng với tầm nhìn chiến lược về chánh trị, quân sự cùng với việc chăm lo cho dân trong việc khai khẩn đất hoang ở 9 đời chúa Nguyễn và kế tục là vua Gia Long đã đưa cả dân tộc này phát triển từ Phú Yên dài tới tận Châu Đốc, Cà Mau.

Một mãnh đất xứng đáng với tên “rừng vàng, biển bạc” một Việt Nam rộng nhất lịch sử mà chẳng cần tính Lưỡng Quảng, dòng tộc nhà Nguyễn đã mở rộng số diện tích cho dân tộc hơn cả 5 triều cộng lại gồm Đinh, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, chưa kể là các công trình khai khẩn đất hoang ở các tỉnh Thái Bình và Ninh Bình trong thời đại lúc bấy giờ. Đặc biệt hơn là kênh Vĩnh Tế, có giá trị về trị thủy, giao thông, thương mại và biên phòng.

Các công sức to lớn và kỳ vỹ ấy không xứng đáng để được đặt tên đường hay sao ?

Kết luận

Nhà Nguyễn tồn tại gần 150 năm. Trong khoảng thời gian ấy sử sách gần như lãng quên Quang Trung, nhưng người dân vẫn thầm lặng thờ cúng và kể về các câu chuyện về vua Quang Trung. Và bây giờ chúng ta lại thấy người ta đang lãng quên đi Gia Long.

Lãng quên Quang Trung vì trong thời gian ấy giới quý tộc cầm quyền mà Quang Trung thuộc về giới nông dân, còn Gia Long bị lãng quên là do ngược lại, bởi chúng ta đang sống ở thời kỳ mà người nông dân làm chủ.

Nhưng lịch sử là câu chuyện của lịch sử, hậu thế chúng ta cần có cái nhìn về cha ông với cái nhìn khách quan và công bằng nhất.

Đã có một người, một gia tộc đã tạo nên cho Việt Nam một cái thế cong cong hình chữ S ngày hôm nay, cái gì cũng vậy luôn có mặt tốt và mặt xấu, không có cái gì tốt hoàn toàn cũng như xấu hoàn toàn, bên cạnh Quang Trung cũng có những người chết vì ông, bên cạnh Gia Long cũng có vô số người suốt 25 năm chịu bao nỗi đắng cay khổ nhục cùng Gia Long và từ cậu bé 15 tuổi luôn bị truy sát, không một tấc đất và chỉ vài ba tùy tùng sống bằng ngọn cỏ, lỏi chuối vẫn vùng lên đánh bại kẻ thù làm vua thiên hạ, lấy được cái dãy đất từ nam chí bắc thì đừng bảo là tầm thường, có bao nhiêu người trên thế giới này làm được như ông.

Trèo lên đỉnh cao vạn trượng không thấy Quang Trung đâu, nhìn khắp góc bể không biết Gia Long ở phương nào, hai con người ấy đã tạo nên 1 phần lịch sử của dân tộc, hậu thế nhìn về với bao nhiêu cảm khái, hận thù nhau bởi tro bụi của lịch sử để được cái gì cơ chứ.

st